Rủi ro như tai nạn, ốm đau, bệnh tật có thể đến bất kỳ lúc nào. Đừng để những ‘nguy cơ’ biến thành hiện thực mới tìm cách khắc phục. Chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu những tác động từ những rủi ro bất thường bằng cách có những bước chuẩn bị, nhất là về tài chính.
Những tai nạn hay ốm đau bệnh tật có thể đến vào những khoảnh khắc khó lường nhất, lấy đi những tích lũy của một gia đình. Thay vì ung dung nghĩ rằng rủi ro ‘chừa’ mình ra, chuẩn bị tài chính dự phòng sẽ giúp chúng ta giảm bớt mức thiệt hại mà rủi ro xảy đến với chính mình và gia đình. Các lợi ích của việc chuẩn bị tài chính sớm:
- Đủ khả năng chi trả cho việc khắc phục các vấn đề trực tiếp đến từ rủi ro như tiền điều trị chấn thương, tiền bồi thường…
- Có một khoản duy trì đời sống gia đình ngay cả khi không thể kiếm ra tiền
- Hạn chế ảnh hưởng từ rủi ro tới các dự định trong tương lai
4 cách chuẩn bị tài chính hiệu quả
Lập quỹ dự phòng
Trước khi có một khoản tiền cho rủi ro, chúng ta cần hiểu nhu cầu tài chính của chính mình. Hãy viết các khoản thu chi của gia đình vào 1 quyển sổ hoặc 1 file excel. Sau đó, chia các khoản chi tiêu này thành ba phần: chắc chắn phải tiêu; có thì tốt, không thì thôi; chi phí không cần thiết. Nhìn rõ các loại chi tiêu này sẽ giúp xác định chính xác xem gia đình cần bao tiền để sống và có thể tiết kiệm bao nhiêu cho quỹ dự phòng.
Quỹ dự phòng cần được cất riêng, không để chung với các khoản chi tiêu hàng ngày. Chúng ta có thể lập một tài khoản ngân hàng và đặt lệnh chuyển khoản hàng tháng. Hãy “quên” hoàn toàn khoản tiền này và chỉ sử dụng đến khi rủi ro xảy ra.
Mua bảo hiểm
Bảo hiểm là sản phẩm tích lũy và hỗ trợ tài chính có kế hoạch, bảo vệ con người trước những rủi ro. Lựa chọn tham gia bảo hiểm là cách giúp người được bảo hiểm an tâm và chắc chắn có một khoản hỗ trợ nếu không may rủi ro xảy đến. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều loại bảo hiểm cho các nhu cầu khác nhau.
Tuy nhiên, bảo hiểm chỉ bảo vệ rủi ro không lường trước, không bảo vệ các vấn đề đã xảy ra và không phải tất tần tật các loại rủi ro đều được bảo hiểm chi trả. Khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm để nắm rõ quyền lợi của mình.
Đầu tư cho sức khỏe
Đừng tiếc tiền đầu tư cho sức khỏe. Một trong các dạng rủi ro có thể được giảm thiểu bằng sự quan tâm là rủi ro về sức khỏe. Cứ 6 tháng, hãy đặt lịch với bác sĩ để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Có nhiều dạng bệnh tật thường xuất hiện và tăng nặng âm thầm chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Siêu âm, chụp X-quang có thể tình cờ phát hiện ra các dấu hiệu sớm của bệnh.
Đầu tư một khoản tiền khám sức khỏe định kỳ và phát hiện sớm các loại bệnh sẽ giúp giảm thiểu khoản tiền điều trị về sau.
Đầu tư sinh lời
Đầu tư sinh lời có thể thành khoản thu nhập thường xuyên và thụ động. Dạng đầu tư này hoàn toàn có thể trở thành nguồn kinh tế trong gia đình trong trường hợp người lao động chính mất khả năng lao động.
Các dạng đầu tư sinh lời có thể kể đến: chứng khoán, nhà đất, vàng hay trái phiếu.
Tuy nhiên, khi đầu tư sinh lời, người đầu tư buộc phải chấp nhận các nguy cơ “lỗ”. Vì thế, cần cân nhắc kỹ lưỡng nếu sử dụng hình thức này để lập phòng ngừa rủi ro.
Sức khoẻ thể chất là điều không thể lơ là. Sức khoẻ tinh thần là thiết yếu để có một cuộc sống tràn đầy niềm vui. Nhưng cũng đừng quên, sức khoẻ tài chính cũng là một trong ba vấn đề mỗi người cần quan tâm để có một cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc, an yên. Chăm sóc cho sức khoẻ tài chính bằng việc chuẩn bị sớm cho những rủi ro có thể xảy ra, không chỉ để an lòng cho bản thân mỗi ngày mà còn là cách để chuẩn bị, chăm lo, quan tâm đến hiện tại và tương lai của những người thân yêu xung quanh bạn.