Tại buổi tập huấn ngày 15/8/2020 tại Trung tâm quản lý và điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh) cho biết: “Ngành y tế đang căng mình chiến đấu với đại dịch COVID-19. Nhiều nhóm giải pháp được thực hiện để giúp điều trị bệnh nhân trong đó dinh dưỡng là biện pháp quan trọng giúp cho người bệnh phục hồi, nâng cao thể trạng người bệnh”.

Để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm hoặc nếu có nhiễm bệnh thì chóng khỏi, việc chăm sóc cơ thể, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng là vô cùng cấp thiết nhằm đảm bảo đủ sức đề kháng, xây dựng hàng rào phòng thủ trước sự xâm nhập của vi rút.

Dưới đây là một số bí quyết dinh dưỡng để chúng ta cùng để tâm hơn đến hành trình quan tâm sức khỏe, bảo vệ bản thân và gia đình tránh xa COVID.

Chỉ dẫn dinh dưỡng gia đình trong mùa dịch

Chuẩn bị các bữa ăn với chế độ dinh dưỡng hợp lý

Bổ sung nhiều đạm (protein)

Hoạt động trao đổi chất và duy trì sức đề kháng trong cơ thể cần rất nhiều chất đạm. Đạm sẽ cung cấp nguyên liệu cho cơ thể tổng hợp các tế bào bạch cầu, kháng thể. Những thực phẩm phổ biến, chứa nhiều đạm, dễ chế biến bao gồm trứng, thịt, cá, sữa, các loại đậu… Một ngày, mỗi người có thể nạp 5-6 phần đạm. Các bố mẹ có lựa chọn linh hoạt cho từng bữa, kết hợp xen kẽ nhiều loại thực phẩm chứa đạm khác nhau sẽ giúp bổ sung đủ lượng đạm cho cả gia đình mà vẫn không bị quá ngán. 

Bổ sung Vitamin A và Omega-3  

Vitamin A và Omega-3 ngoài giúp sáng mắt còn có tác dụng trong việc tăng cường miễn dịch cho hệ thống hô hấp của cơ thể. Để bổ sung đầy đủ Vitamin A và Omega-3, nên tăng cường chế biến các loại thực phẩm như cá, gan, rau củ có màu đỏ, vàng (cà rốt, bí đỏ, gấc, cà chua…). Tiện lợi hơn, bố mẹ có thể để các loại viên uống vitamin, dầu cá… có sẵn ở nơi dễ nhìn để cả gia đình luôn nhớ để sử dụng.

Chỉ dẫn dinh dưỡng gia đình trong mùa dịch

Không ăn kiêng, ăn đầy đủ các chất       

Ăn kiêng trong giai đoạn COVID-19 không được khuyến khích nếu không cần thiết. Ưu tiên hàng đầu là ăn uống đủ bữa, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Để dễ theo dõi mức độ cân bằng dinh dưỡng và có thêm động lực, có thể lập các bảng chia món ăn hàng ngày, đảm bảo độ đa dạng thực phẩm, cố gắng ăn trên 15 loại thực phẩm khác nhau trong một ngày.

Cùng nấu ăn tại nhà, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Thời điểm dịch bệnh là cơ hội lý tưởng để các gia đình cùng nhau nấu ăn khi cùng nghỉ dịch tại nhà. Nấu ăn cùng nhau giúp tăng kết nối trong gia đình. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để cả gia đình, đặc biệt là các bạn nhỏ tìm hiểu về các loại đồ ăn và dinh dưỡng khác nhau. Tìm hiểu dinh dưỡng và trực tiếp nấu ăn sẽ giúp các bạn nhỏ hiểu tầm quan trọng của thức ăn và ăn đa dạng các món hơn.

Chỉ dẫn dinh dưỡng gia đình trong mùa dịch

Ngoài dinh dưỡng, các bữa ăn trong thời COVID-19 cần được đảm bảo nghiêm ngặt về mức độ an toàn vệ sinh. Việc này sẽ giúp ngăn chặn các bệnh lý liên quan đến mất vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng chống chọi trong trường hợp xấu. Gia đình cần đảm bảo ăn chín, uống sôi, không để lẫn các thực phẩm sống và chín. Với các loại thịt, cá, trứng cần nấu chín hoàn toàn, hạn chế làm các món tái. Khi chế biến các thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh tay, dụng cụ và khu vực chế biến. Bố mẹ cũng có thể chỉ dẫn cho con các lưu ý vệ sinh an toàn thực phẩm này để con tự hình thành thói quen - bắt đầu từ việc bảo vệ bản thân bằng việc rửa tay trước khi nấu ăn và khi ăn.

Hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh để phòng tránh COVID-19

Tăng cường bữa phụ cho trẻ nhỏ và người lớn tuổi

Trong dịch bệnh, việc đa dạng hóa các loại thực phẩm là cần thiết trong các bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, rau và các hoa quả có chất xơ thường không phải món “khoái khẩu” của trẻ. Vì thế, để khuyến khích trẻ ăn đủ chất, bố mẹ có thể bổ sung thêm các bữa phụ với các loại hoa quả, rau củ nghiền, nước ép,... Ăn đủ rau và hoa quả giúp trẻ tăng sức đề kháng và phát triển thể chất hoàn thiện. Tương tự với người lớn tuổi trong gia đình.

Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm

Thói quen uống nước nhiều cũng rất cần thiết vì đường hô hấp dễ bị tổn thương dưới sự xâm nhập của vi rút. Mỗi ngày, một người cần nạp trên 1.5 lít nước, tránh sử dụng quá nhiều nước ướp lạnh, nước đá. Người lớn tuổi và trẻ nhỏ cần nạp đủ nước ngay khi cần, tránh để khát quá lâu. Các bố mẹ trẻ có thể chia nước thành các bình có thanh đo mực nước, đặt trong phòng các con và người lớn tuổi rồi khuyến khích họ uống bình nước đó trong 1 khoảng thời gian nhất định.

Tập thể dục thường xuyên cả khi hạn chế ra ngoài

Bảo vệ sức khỏe thể chất giúp cơ thể hạn chế sự xâm nhập của các virus gây hại, bao gồm cả COVID-19. Vì thế, kể cả hạn chế di chuyển, các thành viên trong gia đình vẫn cần duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên. Hàng ngày, cả gia đình có thể ấn định một khoảng thời gian cụ thể để cùng nhau tập các bài thể dục đơn giản và nhẹ nhàng. Tập cùng nhau sẽ là động lực cho cả bố mẹ, con và ông bà giữ gìn sức khỏe thể chất. 

Tạm kết

Chế độ dinh dưỡng phù hợp là một trong những cách mỗi thành viên quan tâm đến nhau, cùng bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trong bối cảnh đại dịch. Dành thời gian quan tâm, chăm sóc đến chế độ dinh dưỡng, sức khoẻ thể chất, tinh thần của những người thân yêu là liều thuốc tăng đề kháng hữu ích nhất để cùng nhau phòng ngừa COVID-19.