Trong gói quà của “Quan tâm đẩy lùi COVID”, chiến dịch WeCare - Quan tâm mỗi ngày kết hợp cùng hệ thống Doctor Anywhere dành tặng 10.000 lượt tư vấn sức khỏe trực tuyến đến cộng đồng. Xuyên suốt thời gian hoạt động diễn ra, các bác sĩ của chương trình đã có những câu chuyện khác nhau khi đồng hành cùng người bệnh trong khoảng thời gian khó khăn này.
“Khi sách vở không còn đúng nữa, phải nương theo hoàn cảnh của từng gia đình”
Bác sĩ Liên Anh - chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại Viện Nhi đồng 1 chia sẻ rằng trong hai tháng gần đây, tỷ lệ bệnh nhân cần hỗ trợ y tế liên quan COVID-19 mà chị theo dõi tăng từ 10% lên 30-50% mỗi ngày.
Chị kể rằng có những gia đình bố mẹ đều dương tính với COVID-19 nhưng các con thì không. Điều đó khiến các bố mẹ phải giảm bớt việc tiếp xúc với con nhỏ: ăn uống cũng cần nhanh chóng, không thể cùng chơi, ôm ấp con như thường lệ và sau mỗi lần tiếp xúc đều phải vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chăm sóc trẻ và không gian xung quanh. Trong tình huống này, chị buộc phải tư vấn cho bố mẹ cách hướng dẫn lắng nghe, trò chuyện với con và cho con sử dụng các thiết bị thông minh đúng cách để bé vơi bớt cảm giác lo âu.
Khi được hỏi về câu chuyện chị ấn tượng nhất trong suốt quá trình tư vấn y tế từ xa, bác sĩ Liên Anh kể về một em bé 19 ngày tuổi đã phải xa mẹ. Người mẹ sau khi sinh từ bệnh viện về thì nhiễm COVID-19 và có dấu hiệu trở nặng. Em bé với bố cùng dương tính nhưng không có triệu chứng ở nhà tự theo dõi. Ông bố trẻ khi gọi đến cho bác sĩ thì rất bất lực và bối rối vì bé đã quen sữa mẹ và bỏ ăn khi mẹ phải đi viện. Bản thân em bé cũng là bệnh nhi COVID-19, thiếu dinh dưỡng có thể khiến bệnh tình diễn biến xấu đi. Nhận thức được tình hình, chị Liên Anh lập tức tư vấn cách giúp bố em bé. Sau một giờ tư vấn và tâm sự, bố em bé đã có thể tự chăm sóc và cho con ăn.
Chị Liên Anh chia sẻ, lúc này mọi kiến thức sách vở không còn đúng nữa mà mỗi bác sĩ sẽ phải linh hoạt theo hoàn cảnh của người bệnh, vừa đóng vai bác sĩ lâm sàng, vừa là người tư vấn tâm lý kiêm luôn cán bộ dinh dưỡng.
Khi cơ hội tiếp cận thầy thuốc giảm, mọi người quan tâm tới sức khỏe hơn
Đại dịch khiến việc gặp mặt trực tiếp giữa thầy thuốc và người bệnh trở nên khó khăn. Tuy vậy, chính COVID-19 cũng là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về việc quan tâm tới sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Tham gia với Quan tâm đẩy lùi COVID, bác sĩ Đặng Thanh Huy nhận định hiệu quả của việc tư vấn y tế trực tuyến thể hiện ở việc đại dịch khiến người bệnh ở nhiều loại bệnh lý nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sớm theo lời khuyên của bác sĩ.
Bác sĩ Huy có một bệnh nhân gọi đến và nói rằng đã đặt lịch tiêm vaccine nhiều lần nhưng đều không thể tiêm được vì không qua được phần đo huyết áp khi khám sàng lọc. Bằng phương pháp chuyên môn, bác sĩ đã hỏi được tiền sử bệnh của bệnh nhân là đã từng được chẩn đoán cao huyết áp nhưng không nghe lời bác sĩ. “Tôi vẫn khỏe, tôi không sao” - với tâm lý đó, bệnh nhân đã không điều trị bệnh suốt nhiều năm vừa qua. Khi được thôi thúc tiêm vaccine để quay lại cuộc sống bình thường, bệnh nhân mới hiểu lý do cần điều trị bệnh lý nền từ giai đoạn sớm.
Chủ quan ở người bệnh và nhận thức y tế chưa đồng đều
“Giúp bố em với, bố em chết mất” - nghe tiếng của con gái một bệnh nhân COVID-19 khóc hoảng loạn qua điện thoại, bác sĩ Đặng Thanh Huy phải trấn tĩnh người nhà bệnh nhân và yêu cầu kiểm tra các số đo sức khỏe và đếm nhịp thở. Trong lúc đó, bác sĩ Huy cũng liên hệ với các đơn vị y tế có thể để kiếm được 01 giường cấp cứu cho bệnh nhân. Thế nhưng, it phút sau, người nhà gọi lại báo rằng không muốn vào viện nữa vì trong viện thở máy thì không cần thiết bởi ở nhà bệnh nhân cũng đã có sẵn máy thở.
Có bệnh nhân phát sinh các triệu chứng của COVID-19 sau 12 ngày tiêm vaccine nhưng cho rằng mình chỉ gặp các phản ứng sau tiêm. Nhận thấy khả năng bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, bác sĩ Huy cũng lập tức gửi kit test nhanh, máy đo SpO2 và các hướng dẫn tới cho bênh nhân. Hôm sau đó, SpO2 của bệnh nhân tụt xuống 88 - 90% nhưng đã được đo và hỗ trợ kịp thời từ bác sĩ.
Các bác sĩ vẫn gặp những vấn đề như vậy khi người dân chủ quan và thiếu nhận thức, thông tin đúng về việc theo dõi và điều trị COVID-19 tại nhà. Những vấn đề đó cũng mang tới sự lo lắng cho các bác sĩ khi tư vấn y tế từ xa.
Niềm vui của các bác sĩ khi bệnh nhân sớm được tiếp cận y tế
Thông qua hệ thống tư vấn y tế trực tuyến, các bác sĩ có cơ hội tiếp cận bệnh nhân từ mọi nơi, có thêm thời gian và sàng lọc đúng tình trạng bệnh nhân. Đồng thời, bệnh nhân tiết kiệm được thời gian, không cần phải tới viện khi không cần thiết, xếp hàng đông đúc, có khả năng lây nhiễm chéo cao mà vẫn được tiếp cận y tế. Đó là những thuận lợi mà các bác sĩ chỉ ra trong quá trình đồng hành với “Quan tâm đẩy lùi COVID” và Doctor Anywhere.
Như em bé 19 tháng tuổi mà bác sĩ Liên Anh đã kể, đến cuối tháng 8, sau 14 ngày hỗ trợ, cả bố và em bé đều đã ổn. Em bé rất thương bố và vui vẻ, ngoan ngoãn. Bố em bé cũng làm tốt công việc của cả bố và mẹ em bé, đợi ngày mẹ em bé trở về. Nhìn thấy những tiến triển của bệnh nhân, chị Liên Anh vô cùng xúc động.
Giúp đỡ được bệnh nhân từ sớm và nhìn họ khỏe mạnh trở lại cũng là niềm vui của tất cả những người thầy thuốc đang ngày ngày “trực” điện thoại hỗ trợ bệnh nhân trực tuyến.