Báo đài đưa nhiều thông tin COVID-19 với nhiều biến chủng mới tạo nên mối nguy thường trực cho người cao tuổi và những người có bệnh lý nền. Quan tâm, động viên và hỗ trợ ông bà, bố mẹ thường xuyên các bạn nhé.
Cô Thịnh 55 tuổi ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội hai năm nay gần đây gần như không ra khỏi khu phố. Cô từ chối mọi chuyến đi, kể cả về quê. Cô tâm sự “Cô nhiều bệnh nền, nếu không may bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 nếu có được chữa trị thì cũng sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó chuyển biến nặng thêm khó điều trị, tốt nhất là ở trong nhà cháu ạ.” Song việc loanh quanh trong nhà khiến tâm lý cô bị ảnh hưởng, liên tục cập nhật số liệu từ báo đài, lo lắng không nguôi. Có hàng triệu người trung niên và cao tuổi đang ở trong tình trạng như cô Thịnh.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành… Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh.
Làm rõ thông tin, giúp bố mẹ vững tâm hơn
Một nghiên cứu năm 2019 tại Viện Lão khoa Việt Nam cho thấy tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm kết hợp với lo âu ở các bệnh nhân cao tuổi nằm viện là rất cao, lên tới 40%. Trước sự nhiễu loạn thông tin về dịch bệnh COVID-19 đến từ mạng internet hay các phương tiện truyền thông, những người trẻ trong gia đình có thể dành thời gian tìm hiểu kỹ thông tin, tìm cách phổ biến một cách rõ ràng và dễ hiểu thông tin cho bố mẹ, giúp bố mẹ giữ vững tâm lý và bình tĩnh hơn.
Tìm hiểu về các chính sách tiêm vacxin cho người cao tuổi
Theo hướng dẫn được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, có 11 nhóm đối tượng ưu tiên được sắp xếp tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, trong đó có nhóm những người trên 65 tuổi - Những người có bệnh nền và hệ thống miễn dịch kém.
Con cháu có thể tìm hiểu thật kỹ, giải thích cho ông bà cha mẹ các cơ hội cũng như các rủi ro và phương án giải quyết với câu chuyện Vacxin một cách khoa học như khuyến nghị của các y bác sĩ.
Ví như người cao tuổi có thể lo lắng về những tác dụng phụ của vacxin, chúng ta có thể mời ông bà đọc bài viết của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, trong bài viết có thông điệp chỉ rõ những biểu hiện như đau đầu, đau cơ, ớn lạnh… chỉ là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang tạo sức đề kháng chống lại COVID-19 mà thôi.
Thêm một thông tin nữa là ông bà và bố mẹ sẽ không mất bất kì một khoản chi phí nào cho vaccine phòng ngừa Covid-19. Mọi đề nghị trả phí cho Vacxin đều tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo cần tránh xa.
Chăm sóc hàng ngày
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc nấu ăn tại nhà sẽ đảm bảo an toàn, vệ sinh và thêm gắn kết tình yêu thương. Những bữa ăn đủ chất, đảm bảo được các chất dinh dưỡng nhiều calo, năng lượng như: đạm, mỡ... đồng thời, hãy nhắc nhở bố mẹ uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm.
Còn nếu bạn ở xa nhà, có thể tìm cách đặt và gửi những thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng như sữa, vitamin... về cho gia đình. Việc thường xuyên liên lạc trước mỗi bữa ăn để đảm bảo bố mẹ sẽ ăn uống đầy đủ chất và cũng phần nào giúp họ được động viên, vững tâm vượt qua đại dịch.
Trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, sự quan tâm từ những người thân yêu chính là liều thuốc tinh thần quý giá nhất dành cho ông bà, bố mẹ. WeCare hy vọng, dù bạn là ai, đang ở đâu, dù có bận rộn thế nào, hãy dành thời gian cùng gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này và biết học cách “quan tâm mỗi ngày", từ những điều nhỏ nhất.