Warren Edward Buffett - Tỷ phú Mỹ được tạp chí Forbes xếp ở vị trí người giàu thứ sáu trên thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông nhận định việc dạy con cách quản lý tài chính là điều cần thiết và ông luôn cảm thấy biết ơn cha mình vì đã dạy cho ông cách xây dựng những thói quen quản lý tài chính đúng đắn ngay từ khi ông còn nhỏ.

Theo một nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành từ năm 7 tuổi, và đó là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy xây dựng, vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc ngay từ lúc con còn nhỏ để hình thành nên những thói quen tốt trong tương lai.

Giáo dục tài chính cho con là gì?

Nói một cách đơn giản, giáo dục về tài chính cho con là chỉ dạy cho con biết: Tiền là gì? Làm thế nào để có tiền? Giá trị của tiền trong cuộc sống? Có tiền rồi thì tiêu thế nào cho hiệu quả và hợp lý?

Dạy con những giá trị liên quan đến tiền bạc như sự chia sẻ, giúp đỡ hay làm từ thiện. Giúp con biết chi tiêu một cách hợp lý, biết tích lũy và thậm chí biết đầu tư…

Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể hướng dẫn con đề phòng những rủi ro tài chính có thể xảy trong trong cuộc sống, từ đó biết đặt kế hoạch cho tương lai.

Tại sao nên giáo dục tài chính cho con nhỏ?

Tại Việt Nam, hầu hết thế hệ gen X (hiện khoảng 41-56 tuổi) sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nên hiểu rõ tầm quan trọng của tiền bạc.

Ngày nay, đời sống xã hội được nâng cao, thế hệ người trẻ có thể không hiểu được những khó khăn, vất vả như ba mẹ ngày trước. Nếu không được dạy cách quản lý tài chính từ nhỏ, con sẽ dễ tiêu tiền một cách “phóng khoáng”, không suy nghĩ, trở nên ích kỷ, không biết quan tâm và nguy hiểm hơn là sử dụng tiền vào những mục đích vô bổ, có hại như game, đồ chơi bạo lực, ma túy,…

Dạy con quan tâm tài chính ngay khi vào lớp 1

Phương pháp giáo dục tài chính cho con

Dạy con phân loại tiết kiệm

Theo bà Neale S.Godfrey - Giám đốc điều hành ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới (The First Children's Bank - Mỹ), ba mẹ nên tiến hành giúp con lập ngân sách và phân loại một cách hợp lý từ sớm.

Bà gợi ý mô hình "4 chiếc lọ", mỗi chiếc được dán nhãn và có chức năng nhất định:

●   Lọ “Để dành”: Tiền con muốn dành dụm thay vì tiêu hiện tại (30%)

●   Lọ “Cho đi”: Tiền con dành cho những người khó khăn hơn mình (10%)

●   Lọ “Tiêu”: Tiền con tiêu tùy ý (30%)

●   Lọ “Đầu tư”: Tiền con muốn đầu tư (30%)

Mỗi lúc con nhận được một số tiền nào đó như tiền thưởng học tập, tiền sinh nhật, tiền lì xì lễ tết… cha mẹ có thể hướng dẫn con phân chia số tiền vào 4 chiếc lọ theo tỉ lệ phần trăm ở trên.

Trở thành hình mẫu cho con

Trẻ thường có xu hướng học rất nhanh hành vi của cha mẹ. Với chúng, cha mẹ luôn là hình mẫu thân thiết, gần gũi nhất để học theo từ hành vi, suy nghĩ đến cách ra quyết định. Cha mẹ hãy cố gắng giải quyết gọn gàng những vấn đề liên quan đến tài chính để con học hỏi, chẳng hạn như việc giải quyết dứt điểm các khoản nợ, sòng phẳng về tài chính, có trách nhiệm với đồng tiền...

 Giúp con phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu

Cha mẹ hãy giúp con hiểu đâu là món đồ con thực sự cần. Hiểu nhu cầu của chính mình là bước đầu tiên giúp con tạo lập suy nghĩ độc lập, ra quyết định và kiểm soát tài chính cá nhân. Cha mẹ hãy hướng dẫn con lập ra danh sách 5 đến 10 thứ con đang muốn mua. Sau đó, con cần giải thích rõ lý do con cần những món đó. Tạo thói quen mua sắm hợp lý là cách để bắt đầu học chi tiêu thông minh.

Hướng dẫn con lập kế hoạch đề phòng những rủi ro tài chính

Theo bà Neale S.Godfrey, việc hướng dẫn con lập kế hoạch tài chính đề phòng rủi ro hình thành nên tính cách biết chịu trách nghiệm, tự lập và nhìn xa trông rộng ở trẻ. Giúp con có cái nhìn toàn cảnh về tài chính cá nhân, hiểu và giữ được ổn định dòng tiền của mình mỗi khi có rủi ro tài chính.

Để thực hành giúp con đề phòng những rủi ro tài chính. Ba mẹ có thể bắt đầu từ những việc đơn giản.

Ví dụ như: Trong một ngày cả gia đình đi chơi, hãy giả vờ rằng xe bị hỏng và ba mẹ rất luống cuống vì chưa chuẩn bị cho tình huống này. Sau đó, hãy giải thích rõ cho con rằng trong cuộc sống có rất nhiều tình huống bất trắc về tài chính sẽ xảy ra, và chúng ta luôn phải học cách chuẩn bị cho những tình huống đó.

Ngoài ra, hãy giúp con hiểu chi tiết về bảo hiểm. Bản chất của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giống như việc gửi tiết kiệm dài hạn ở Ngân hàng: khi đáo hạn hợp đồng, chúng ta sẽ nhận lại toàn bộ tiền gốc và tiền lãi.

Rất nhiều phụ huynh đã chọn phương pháp đóng bảo hiểm cho con bởi một phần vì những bất trắc không lường trước trong cuộc sống, một phần vì tương lai của con sẽ cần sự vững vàng về tài chính như: Học đại học, khởi nghiệp, mua nhà, kết hôn…. Nhưng đến lúc đấy thì khả năng kiếm tiền của ba mẹ đã không còn “sung sức” như lúc trẻ, nên việc lựa chọn phương pháp đóng bảo hiểm ngay từ nhỏ cho con là phương pháp an toàn và hợp lý.

Ba mẹ có thể tham khảo các gói bảo hiểm giúp bảo vệ con đề phòng những rủi ro trong tương lai

Dạy con cách tự kiếm tiền

Cha mẹ đừng nên đáp ứng mọi mong muốn của con mà hãy dạy trẻ tự “kiếm tiền” một cách chân chính. Đây là một trong những cách để hướng dẫn con hiểu và trân trọng giá trị của đồng tiền cũng như chi tiêu hợp lý.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội gợi ý một số cách cha mẹ có thể áp dụng cho con tự kiếm tiền như: Làm những đồ thủ công, handmade, bán lại những món đồ chơi còn mới…