Sau những ngày tháng điều trị, nhiều bệnh nhân ung thư trở thành những người truyền cảm hứng cho những người đồng bệnh. Bằng tinh thần lạc quan và kinh nghiệm thực tế, họ đã giúp đỡ những người có K khác tin rằng: “Ung thư không phải là hết”.

Nguồn năng lượng lạc quan của bác sĩ Ái Nghĩa

Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Nghĩa (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng) được chẩn đoán ung thư lần đầu năm 35 tuổi. Sau khi cắt bỏ cắt bỏ một bên vú, cắt cả 2 buồng trứng, ba năm trước, chị Nghĩa tiếp tục nhận tin mình bị K tuyến giáp và bước vào đợt điều trị mới. 

Quyết không để ung thư đánh gục mình, chị vẫn đi làm và tiếp tục chạy bộ, chơi các bộ môn thể thao phối hợp. Sau 6 đợt hóa trị, chị tập luyện nâng cao thể trạng, kỷ lục là bơi 750m, đạp xe 20km và chạy bộ 21km. 

Hành trình tiếp sức người đồng bệnh của ba bệnh nhân ung thư

Chị cũng là thành viên tích cực của Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam (BCNV). Chị tham gia gây quỹ cho Nón hồng, Nơ hồng, Dù hồng của BCNV. Sau gần 10 năm từ ngày bị bệnh, bác sĩ Ái Nghĩa không ngừng truyền cảm hứng cho những người đồng bệnh. 

Năm 2019, khi chương trình “Dĩa trên cơm tường” ở Đà Nẵng được khởi động, chị cùng nhiều bác sĩ khác đã lên sân khấu để hát xin cơm cho bệnh nhân của mình. Nhìn chị biểu diễn nhiệt tình trên sân khấu, ít ai biết khi đó chị mới nói được trở lại sau 6 tháng phẫu thuật K tuyến giáp. 

Chị chia sẻ: “Nếu có ít hơn một ngày để sống, tôi vẫn luôn sống tử tế với chính bản thân mình theo cách đó. Nếu tôi còn có một ngày để sống, tôi sẽ sống với phiên bản tốt nhất của chính mình”.

Giữ tinh thần tích cực, người bác sĩ tóc tém đã 3 lần vượt K và hiện đang “chung sống” hòa bình với ung thư.

Lập quỹ giúp đỡ những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn

28 tuổi, Đinh Thị Tuyết Trinh ổn định việc kinh doanh online và xây nhà cho bố mẹ. Cô gái trẻ có biết bao ước mơ phía trước. Thế nhưng, ung thư đến, những dự định tương lai phải tạm gác lại. Ngày nhận giấy chẩn đoán ung thư máu, Trinh ôm chồng bật khóc. 

Trinh nhập viện và điều trị nội trú tại Bệnh viện Truyền máu huyết học. Những ngày hóa trị, Trinh thường sốt, nôn mửa và có lúc phải vào phòng vô trùng. Thế nhưng, ung thư không quật ngã được cô gái trẻ. Những ngày vào hóa chất, Trinh vẫn lên mạng xã hội trò chuyện, ca hát với mọi người. Sau 9 tháng điều trị nội trú, Trinh đã được về nhà và chuyển sang điều trị ngoại trú. 

Hành trình tiếp sức người đồng bệnh của ba bệnh nhân ung thư

Trong những ngày nằm viện, Trinh đã thành lập Win Team - quỹ hỗ trợ những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn. Người đầu tiên mà Trinh nhận quyên góp là cô bệnh nhân giường bên: hai vợ chồng đi từ miền Tây lên, chẳng có cả tiền xe huống chi là tiền chữa trị và ăn uống. Từ dòng trạng thái kêu gọi hỗ trợ đầu tiên đó, Win Team của Trinh được thành lập. 

Một lần khác, Trinh nhìn thấy một em bé ba tuổi cần bố mẹ giữ chặt để chọc tủy. Tiếng thét của em đã khiến Trinh nhớ mãi. Vì thế, Trinh hướng Win Team tới hỗ trợ bệnh nhi nhiều hơn. 

Khi đã được về nhà, Trinh vẫn thấy biết ơn biến cố đến bất ngờ này đã khiến cuộc đời cô ý nghĩa hơn. 

Đối diện ung thư bằng tiếng hát

Anh Nguyễn Trọng Hùng là một bệnh nhân thư máu hiện đang điều trị tại Viện Huyết học và truyền máu Trung Ương. Anh được nhiều bệnh nhân và bác sĩ trong viện nhớ tới với nụ cười thường trực trên môi và tiếng hát lạc quan trong phòng bệnh. 

Tháng 11/2019, anh Hùng có kết quả chẩn đoán: mắc thư máu cấp tính, thể M4, tiên lượng xấu. Trong suốt thời gian dài điều trị ở bệnh viện, anh Hùng cũng như nhiều bệnh nhân ung thư máu khác khó có thể rời phòng bệnh. Bởi lẽ, những lúc như thế, các chỉ số trong máu như tiểu cầu, bạch cầu… thấp có thể dẫn tới nhiễm trùng và ảnh hưởng tới tính mạng nếu không cẩn thận. 

Hành trình tiếp sức người đồng bệnh của ba bệnh nhân ung thư

Thế nhưng, mỗi ngày điều trị, anh Hùng đều cất tiếng hát để xua tan bầu không khí căng thẳng và những đau đớn do bệnh tật. Trong video tự ghi hình bài hát “Mùa chim én bay”, anh Hùng chia sẻ: “Tế bào K có thể tấn công khắp nơi nhưng trái tim và tâm hồn của chúng ta là nơi bất khả xâm phạm. Từ lúc điều trị ung thư máu, thời gian này là lúc cơ thể tôi mệt mỏi nhất, nhưng chính lúc này tinh thần phải càng cao. Hôm nay được giải lao, không phải truyền gì nên tôi làm ca sĩ”. 

Anh Hùng luôn tin rằng bản thân sẽ vượt qua bệnh tật. Tinh thần lạc quan của anh đã trở thành nguồn động viên cho vợ và những người bệnh cùng phòng, cùng viện. Năm 2021, anh cũng tham gia các buổi giao lưu dành cho những người bệnh ung thư và lan tỏa tinh thần lạc quan của mình rộng rãi hơn tới những người đồng bệnh. 

Giữ cho mình sự lạc quan, yêu đời, không né tránh bệnh tật, không bỏ cuộc trước khó khăn, luôn sẵn sàng đồng hành, ba nhân vật chia sẻ câu chuyện của mình với tinh thần sẵn sàng sống. Chính họ là những người mang năng lượng tích cực của sự quan tâm đến mọi người xung quanh, lan toả tình yêu cuộc sống đến với mọi người. Và khi quan tâm là sức mạnh, là động lực để tiếp tục, mọi khó khăn dẫu là căn bệnh hiểm nghèo cũng có thể vượt qua để mỗi người có thể dựng xây hạnh phúc riêng mình. 

Tháng 12 năm 2021, MB Ageas Life thực hiện chiến dịch Quan Tâm Là Sức Mạnh, khuyến khích tinh thần Anti-K lạc quan sống, không né tránh, không bỏ cuộc, sẵn sàng đồng hành để cùng vượt qua khó khăn, Theo dõi để nhận thêm nhiều thông tin về chiến dịch tại fanpage Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life tại https://www.facebook.com/mbageaslife.official