Sự quan tâm mỗi ngày không cần đến từ những điều lớn lao, mà bắt đầu từ trái tim rung cảm muốn giúp đỡ, động viên, sẻ chia cùng ai đó. Là sự hỗ trợ dù ít dù nhiều, vật chất hay tinh thần, gửi đến những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Là dành thêm một chút tâm sức, chăm lo cho bữa cơm sức khoẻ gia đình. Hay đơn giản là hỏi han, động viên, lắng nghe những người thân yêu, vào thời điểm khó khăn nhất. Quan tâm với mỗi người được thể hiện theo cách khác nhau, nhưng cùng xuất phát từ tình yêu thương và trái tim hướng đến mọi người.  

Quan tâm đến các cán bộ ở tuyến đầu chống dịch

Mỗi ngày trôi qua lại thêm hàng ngàn ca nhiễm mới, cùng với đó là vô vàn lời động viên, sự giúp sức, và cả những lời cầu nguyện được gửi tới các cán bộ tuyến đầu chống dịch. Không khó để bắt gặp những câu chuyện cảm động từ “hậu phương” gửi tình yêu đến nơi “tiền tuyến”. 

“Nhìn hình ảnh những y, bác sĩ ngất đi khi phải làm việc với cường độ cao trong nhiều giờ khiến tôi không khỏi ám ảnh, tôi muốn chuẩn bị những phần cơm thật sự chất lượng, giúp các y, bác sĩ có thật nhiều năng lượng để có thể chiến đấu với bệnh dịch” - anh Trần Văn Trường - Trưởng nhóm tiếp ứng chống dịch COVID-19 chia sẻ.

Quan tâm đến diễn biến dịch bệnh, số ca lây nhiễm mỗi ngày

Số liệu về các ca nhiễm mới liên tục được cập nhật từ thời sự, mạng xã hội... Nếu như vài năm trước đây, người ta lo ngại về sự thờ ơ của con người thời đại 4.0, thì nay, đại dịch COVID đã đánh bay hoàn toàn thảm họa “vô cảm” đó. Chúng ta liên tục được nhìn thấy những cô cậu tình nguyện viên 18 đôi mươi sẵn sàng xa gia đình, khoác lên người bộ đồ bảo hộ và tiến vào điểm nóng của dịch bệnh không chút do dự.

(Ảnh minh hoạ)

“Lúc thấy thông tin tuyển tình nguyện viên hỗ trợ trong khu cách ly thì mình đăng ký ngay. Sợ thì cũng có nhưng mình suy nghĩ tích cực hơn, mình làm từ tâm, cố gắng giúp mọi người càng nhiều thì mình càng có thêm động lực”- Nguyễn Tấn Tài (27 tuổi, làm việc trong ngành du lịch) chia sẻ.

Vừa bảo vệ xong khóa luận tốt nghiệp, Phạm Thị Mỹ Lệ (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) đã khăn gói, tình nguyện đi vào khu cách ly để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Cô tâm sự “Trước kia, mình ở nhà đọc tin tức, có ca dương tính thì mình hay nói “lại thêm ca dương rồi” hoặc “lại thêm người mắc COVID-19 nữa rồi” thôi. Nhưng khi vào đây, mình mới thấy dịch bệnh nguy hiểm như thế nào và mới thấu hết sự vất vả của các y bác sĩ, nhân viên y tế. Có lúc chứng kiến gia đình vợ bị mắc bệnh phải chuyển đến bệnh viện điều trị, một mình người chồng chăm sóc con nhỏ mới mấy tháng, mình thật sự rất thương”.

Quan tâm đến người thân, bạn bè đang ở xa

Giãn cách xã hội khiến những người bạn, người thân trong gia đình dù ở cùng một thành phố nhưng cũng rất khó để gặp nhau, chỉ có thể động viên nhau qua những dòng tin nhắn, cuộc điện thoại. Dù chỉ là một lời hỏi thăm, nhưng tại sao giữa thời kỳ dịch bệnh lại trở nên trân quý đến thế!

(Ảnh minh hoạ)

Quan tâm đến chính bản thân mình

Trong tất bật của cuộc sống, cơm áo gạo tiền đôi lúc khiến chúng ta quên chăm sóc bản thân. Nay “nhờ” đại dịch mà những bữa sáng vội vàng cho kịp giờ đi làm, đi học được thay bằng những món ăn đúng khẩu phần hơn, bữa trưa tại công ty, trường lớp cũng được thay bằng những mâm cơm đầm ấm cùng gia đình. Bố có thêm thời gian để dạy con trai tập thể thao, mẹ có thêm thời gian để cùng con gái học đàn, học hát.

Chị Bùi Thị Phân Ly (Cán bộ hợp tác doanh nghiệp tại UNICEF Việt Nam) chia sẻ: “Sống trong tâm dịch, sự lạc quan là điều hết sức cần thiết. Mình cố gắng duy trì các hoạt động trong cuộc sống theo các lịch trình đã lên. Ngoài ra, mình xem đây là một trải nghiệm tích cực vì mình có thêm nhiều thời gian cho con, dạy con nhiều kỹ năng mới, biết cách sắp xếp cuộc sống, công việc và đồng thời thắt chặt tình cảm gia đình.” 

Những ngày giãn cách xã hội với mỗi người, mỗi gia đình sẽ là những trải nghiệm khó quên. Đó là khi nhận ra sự gắn bó, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình, tình làng xóm, nghĩa đồng bào...

Hay đôi khi là nỗi lo sợ mơ hồ bởi khu phố bị giăng dây do có ca mắc Covid-19 hoặc tiếng còi xe cứu thương vang lên nhiều hơn trước đây. Nỗi buồn len lỏi khi đường phố vốn tấp nập, không ngủ nay hoàn toàn vắng lặng.

Cũng không hiếm nỗi lo cho công việc sắp tới, lo cho người thân đang xông pha nơi tuyến đầu, lo thực phẩm ở nhà hiện còn gì... Hoặc đôi khi là nỗi nhớ rất đời thường phảng phất mùi tô phở nóng và một cốc cà phê. 

Nhưng cũng chính trong bộn bề cảm xúc đó, chúng ta nhận ra nhiều nhiều bài học quý giá, khơi dậy sự cảm thông, chia sẻ, giúp chúng ta biết quan tâm và trân trọng cuộc sống này nhiều hơn.