Các bệnh nhân ung thư vốn là những đối tượng nhạy cảm trong các bệnh viện khi liên tiếp phải hứng chịu những cơn đau, suy giảm về thể chất, tinh thần và cả tài chính.Trong những năm qua, trên toàn thế giới và ở Việt Nam, nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân ung thư ra đời, góp phần giúp những người có K sống tích cực hơn, lạc quan hơn. Trong đại dịch thế kỷ COVID-19, đây cũng là đối tượng được xã hội quan tâm.
COVID và bệnh nhân ung thư
Bệnh nhân ung thư đều có nguy cơ cao suy giảm hệ miễn dịch, tùy thuộc vào dạng ung thư, các bệnh lý đi kèm, phương pháp điều trị, thuốc đã và đang sử dụng. Các bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh nhân ung thư dễ mắc COVID-19 hơn và nếu không may bị mắc thì bệnh cũng diễn biến nhanh hơn.
Khi bệnh viện không may trở thành điểm có ca lây nhiễm COVID-19, các dịch vụ điều trị và chăm sóc y tế dành cho bệnh nhân bị hạn chế để dành nguồn lực cho các công tác phòng chống dịch. Các cuộc phẫu thuật đã định trước có khả năng bị hoãn. Chính quyền bang Ohio đã dừng toàn bộ các cuộc phẫu thuật không cần thiết từ ngày 17/3 đến 1/5/2020.
Bệnh nhân ung thư vốn mang nhiều áp lực tâm lý. Sự trì hoãn trong điều trị có thể gây nên các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn cho bệnh nhân như rối loạn lo âu, stress, khủng hoảng sau chữa trị và trầm cảm.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cùng Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) đã đưa ra các cảnh báo người bệnh không nên đi tầm soát ung thư trong thời điểm dịch bệnh. Theo nghiên cứu đăng trên Journal of General Internal Medicines, tỉ lệ tầm soát ung thư tại Mỹ đã giảm từ 60% đến 99% từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020. Đây không phải vấn đề của riêng nước Mỹ. Tại Anh, ước tính có khoảng 40,000 người chưa bắt đầu điều trị ung thư do việc tầm soát và chẩn đoán giảm. Tỉ lệ tầm soát ung thư giảm dấy lên mối lo ngại về việc các bệnh nhân ung thư sẽ không được phát hiện cho đến khi họ ở các giai đoạn sau của bệnh hoặc ở trong tình trạng khẩn cấp. Điều này có thể dẫn tới tỉ lệ tử vong cao hơn cho người bệnh. Ned Sharpless, Giám đốc Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, đã ước tính rằng sẽ có thêm 10000 ca tử vong do ung thư vú và đại trực tràng vì tỷ lệ tầm soát giảm.
Bên cạnh việc điều trị sức khỏe thể chất và tinh thần, đại dịch COVID-19 cũng khiến bệnh nhân ung thư phải tính đến các phương án tài chính dự phòng. Kể cả trước dịch, các chi phí phẫu thuật và điều trị cho các bệnh ung thư đã tạo áp lực cho bệnh nhân và gia đình. Theo một nghiên cứu năm 2018. 42% bệnh nhân ung thư tiêu hết khoản tiền tiết kiệm cả đời chỉ sau 2 năm mắc bệnh. Khi COVID-19 xuất hiện, các hoạt động kinh tế bị đình trệ. Điều này khiến cho tình hình tài chính của nhiều gia đình trở nên khó khăn hơn và thậm chí khánh kiệt. Với các bệnh nhân ung thư, tình hình tài chính khó khăn dẫn tới việc họ không có khả năng chi trả cho các khoản viện phí của mình. Theo RCC - Trung tâm nghiên cứu về ung thư biểu mô tế bào thận, 23% bệnh nhân mắc bệnh này tại 14 quốc gia không cảm thấy rằng họ có khả năng kiểm soát tài chính trong bối cảnh đại dịch.
Các hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân ung thư trong đại dịch
Điều chuyển bệnh nhân
Tại Việt Nam khi bệnh viện K, đơn vị chữa trị cho các bệnh nhân ung thư rơi vào “chảo lửa" chống dịch, hàng loạt các bệnh viện tại Hà Nội đã mở cửa tiếp nhận bệnh nhân từ viện K. Chế độ điều trị bệnh, chế độ bảo hiểm của các bệnh nhân được các bệnh viện cố gắng không thay đổi, giúp bệnh nhân và người nhà an tâm và chủ động trong chữa trị.
Telehealth - Điều trị từ xa
Các phương án điều trị và theo dõi từ xa đã giúp duy trì mối liên kết thiết yếu giữa bệnh nhân ung thư và bác sĩ điều trị. Theo Trung tâm Phòng chống bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, trong năm 2020, 43% các trung tâm y tế có thể gửi thuốc từ xa và khoảng 95% cơ sở y tế báo cáo rằng đã sử dụng hệ thống theo dõi và điều trị từ xa.
Tại Việt Nam, 25/9/2020, Bộ Y Tế đã khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Trong đó, 63 tỉnh thành Việt Nam đều đã có các bệnh viện tham gia và 1 đơn vị tại Lào, 2 đơn vị tại Campuchia.
Sự hỗ trợ từ các hiệp hội chuyên môn
2020 đặt các hiệp hội ung thư vào một thách thức mới trong việc hỗ trợ các bệnh nhân. Tại Mỹ, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cung cấp đầu số hotline và các tài nguyên trực tuyến như live chat để hỗ trợ bệnh nhân 24/7. Hiệp hội hỗ trợ bệnh nhân ung thư Anh cũng có website và đầu số hotline để bệnh nhân có thể liên hệ bất cứ lúc nào. Các hiệp hội chuyên môn cũng đưa ra hướng dẫn dành cho bệnh nhân ung thư để giữ liên kết với bác sĩ và đảm bảo tinh thần tốt trong quá trình điều trị.
Các phương pháp và kỹ thuật điều trị mới
Dịch bệnh cũng trở thành động lực để các nhà khoa học đẩy nhanh phát triển và áp dụng các phương pháp và kỹ thuật điều trị mới. Các nhà nghiên cứu rất lạc quan và cho rằng những sự thay đổi do COVID gây ra có thể đưa vào các công trình nghiên cứu trong tương lai, chẳng hạn như sử dụng chữ ký điện tử hoặc cách vận chuyển thuốc uống trực tiếp đến cho bệnh nhân.
Khi nhiều khu vực hạn chế các cuộc phẫu thuật không cần thiết và yêu cầu cho bệnh nhân phẫu thuật ra viện trong ngày để phòng tránh lây nhiễm, robot được áp dụng trong phẫu thuật. Nghiên cứu của trường đại học Ohio và trung tâm y tế cộng đồng Ohio đã chỉ ra rằng việc cho phép bệnh nhân ra viện trong ngày sau phẫu thuật bằng robot không làm tăng biến chứng và tái phát trong khủng hoảng Covid. Đồng thời, phẫu thuật bằng robot cũng giúp giảm khả năng nhiễm trùng cho bệnh nhân.
Các chương trình hỗ trợ tài chính
Nhận thấy sự ảnh hưởng của COVID-19 tới khả năng tài chính của bệnh nhân, nhiều quỹ hỗ trợ tài chính cho bệnh nhân ung thư trong mùa dịch ra đời. Ví dụ, Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) đã tổng hợp các đường dây nóng của 13 chương trình hỗ trợ như: CancerCare, Family Reach COVID-19 Emergency Fund, Healthwell Foundation's COVID-19 Fund,...
ASCO cũng hướng dẫn các bệnh nhân ung thư mất việc do COVID-19 tìm hiểu các chương trình bảo hiểm mà họ đã đăng ký (Medicare, Medicad) hoặc có thể tiếp cận trong thời điểm dịch bệnh như COBRA. Ned Sharpless, Giám đốc Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, cũng khuyến cáo rằng bảo hiểm y tế sẽ giúp bệnh nhân tránh khỏi một cuộc khủng hoảng về y tế và tài chính.