Nâng cao sức khỏe nói chung, sức khỏe hệ hô hấp nói riêng là “pháo đài vững chắc” bảo vệ cơ thể phòng chống bệnh COVID-19. Mới đây Bộ Y tế có ban hành chuỗi video hướng dẫn người dân vùng nguy cơ cao nhiễm COVID-19 cách tập thở để lưu được oxy tươi lâu hơn trong phổi, đẩy các khí thừa ra bên ngoài cơ thể. Quan tâm đến sức khoẻ của phổi và tim mạch để chuẩn bị trước cho các nguy cơ có thể xảy đến.
Luyện tập cho hệ hô hấp
Bác sĩ Võ Châu Duyên (trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) chia sẻ: “Đầu tiên cần khẳng định việc tập luyện thể dục, thể thao để giữ hơi thở thực sự rất cần thiết trong thời điểm này. Loại virus này cũng có một số điểm tương đồng với virus gây cảm cúm nên chúng ta có thể xem việc phòng chống virus COVID cũng tương tự như đề phòng cảm cúm vậy, tức cơ thể phải có sức khỏe và sức đề kháng tốt”.
- Đối với hệ hô hấp: Thở đúng cách có tác dụng đưa được nhiều dưỡng khí vào tận đáy phổi và đỉnh phổi mà bình thường khí không đến được. Bên cạnh đó là luyện các cơ hô hấp như cơ liên sườn, cơ hoành, chống lại hiện tượng xơ cứng các khớp ở lồng ngực, hỗ trợ giúp tống dịch ra khỏi phổi.
- Đối với hệ tuần hoàn: Thở đúng cách giúp lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn. Khi các cơ hô hấp co bóp mạnh, làm thay đổi áp suất trong lồng ngực, ổ bụng thì máu lưu thông sẽ tốt hơn, tránh tình trạng ứ đọng.
- Đối với hệ thần kinh: Khi tuần hoàn lưu thông thì các tế bào thần kinh được nuôi dưỡng tốt hơn, điều hòa hệ thần kinh thực vật, giúp điều chỉnh cảm xúc, tâm lý.
Theo báo The Conversation, một nghiên cứu ở Mỹ gần đây cho thấy chứng cứ xác thực của ảnh hưởng tích cực mà tập luyện thể dục thể thao mang đến cho quá trình chống chọi với dịch bệnh.
Theo đó, các nhà nghiên cứu phân những đối tượng được khảo sát thành ba nhóm người: nhóm 1 vận động không quá 10 phút/tuần, nhóm 2 tập thể dục dưới 150 phút/ tuần và nhóm 3 tập trên 150 phút/tuần.
Kết quả cho thấy nhóm 1 có nguy cơ nhập viện và tử vong cao gấp đôi so với nhóm 3. Cuộc khảo sát này thực hiện trong cả năm 2020, dựa trên dữ liệu của 50.000 người.
Một số kỹ thuật tập luyện cho hệ hô hấp
Theo hướng dẫn từ Bộ Y tế (Ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-BYT) Đối với người bệnh thể nhẹ, ý thức tỉnh, có thể thực hiện các kỹ thuật chủ động (người bệnh tự thực hiện) theo hướng dẫn qua băng hình hoặc điều khiển từ xa, tờ rơi dưới sự giám sát của nhân viên y tế để đảm bảo người bệnh thực hiện đúng kỹ thuật và đảm bảo đủ thời gian. PHCN cho nhóm người bệnh này tập trung vào các kỹ thuật thở: thở cơ hoành, thở chúm môi, thở dưỡng sinh và tập vận động… để nâng cao thể chất, tinh thần. Những kỹ thuật này cũng có thể áp dụng với người khỏe mạnh để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
- Thở chúm môi: Hít vào chậm qua mũi – Thở ra từ từ bằng miệng môi chúm lại như thổi sáo. Có thể áp dụng thêm kỹ thuật ngưng thở cuối kỳ hít vào (nín thở khoảng 03 giây).
- Thở bụng: Thả lỏng hai vai, một tay đặt lên bụng (để cảm nhận di động của bụng) – Mím môi hít vào bằng mũi phình bụng ra – Thóp bụng lại thở ra bằng phương pháp chúm môi.
Khi tập thở nên hít vào sâu nhất có thể (lưu ý không cần gắng sức quá mức), thở ra vừa sức. Tập ít một, tăng dần, thường xuyên thành thói quen hàng ngày. Có thể dùng kỹ thuật này khi khó thở hoặc khi hoạt động thể lực.
- Thở ra gắng sức: Mím môi hít vào sâu và chậm – Thở ra nhanh, mạnh gắng sức.
- Ho chủ động: Nên tập thở vài nhịp trước khi ho chủ động. Hít vào chậm sâu, nén hơi khoảng 3 giây - Ép ngực và bụng ho mạnh ra liên tiếp 2, 3 lần – Khạc đờm. Nếu không khạc được đờm có thể nghỉ ngơi tập thở vài nhịp rồi làm lại.
Tần suất và cường độ tập tăng dần từ thấp đến cao và có thể thay đổi linh hoạt tùy thuộc tình trạng sức khỏe mỗi người nhằm giúp cơ thể thích nghi. Tuy nhiên, để có hiệu quả, đòi hỏi thời gian tập từ trên 30 phút đến 1h mỗi ngày và ít nhất 3 ngày mỗi tuần, nếu mệt có thể nghỉ ngắt quãng. Nghiên cứu cho thấy nếu tập ít hơn 2 ngày mỗi tuần hoặc ít hơn 20 phút mỗi ngày thì hầu như không có hiệu quả.