Cốt lõi của “tự do tài chính” là sự tự do: tự do trong việc chi tiêu có kế hoạch, tự do lựa chọn các công việc cho mình, từ chối các việc không tạo ra giá trị thiết thực cho bản thân, quẳng gánh lo “cơm áo gạo tiền” để xây dựng những giá trị bền vững. 

Với mỗi người, mốc tự do tài chính là khác nhau tùy vào nhu cầu. Giống như hạnh phúc, tự do tài chính không phải là một đích đến mà là một hành trình cần thời gian dài, hiểu đúng và hành động hợp lý. 

Chia sẻ trên podcast HIEU.TV, Cố vấn cho chính phủ Úc về Digital Strategy Nguyễn Ngọc Hiếu đã chỉ ra 3 mảng quan trọng để chuẩn bị cho hành trình tự do tài chính: tâm thái “biết đủ”, những con số cụ thể để “thắng” được sự kiểm soát của tiền và các dấu mốc để đạt được các bước trên hành trình tự do tài chính. 

Tự do tài chính và sự quan tâm

Hành trình tự do tài chính không chỉ xoay quanh câu chuyện của “tiền” mà còn là hành trình thay đổi nhận thức để đạt được sự tự do và hạnh phúc. Vì thế, tự do tài chính là hành động quan tâm tới chính mình và cho phép chúng ta dành thời gian “chất lượng” cho bản thân, gia đình, những người thân, bạn bè và cộng đồng. 

Khi đạt được tự do tài chính, chúng ta không cần lao đầu vào kiếm tiền để lo các khoản sinh hoạt cơ bản và lo lắng cho những khoản phí có thể bất ngờ “từ trên trời rơi xuống”. Khi đó, chúng ta được lựa chọn thực hiện các công việc tạo ra nhiều giá trị hơn là chỉ đơn thuần là công việc kiếm ra tiền. 

Với gia đình, lúc này, bố mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn để đồng hành cùng con trong việc học tập, vui chơi và phát triển song hành cùng việc có sẵn tiền cho các khoản học hành trong tương lai. Đồng thời, với cha mẹ già, con cái có đủ khoản tích lũy để chi tiêu các vấn đề sức khỏe.

Với cộng đồng, khi tự do tài chính, chúng ta có điều kiện tham gia các công việc, hoạt động xã hội nhiều hơn để hỗ trợ các đối tượng cần giúp đỡ, chung tay lan tỏa sự quan tâm tới cộng đồng như ý nghĩa của chiến dịch WeCare - Quan tâm mỗi ngày.

9 hành động cụ thể để bắt đầu Hành trình Tự do tài chính

Xác định tâm thế tích cực với tiền và tự do tài chính

Như đã nói ở phần trước, tự do tài chính không phải kiếm ra thật nhiều tiền hay có thật nhiều tài sản. Chúng ta hoàn toàn có thể hạnh phúc khi biết “đủ” với khoản tiền phù hợp với sự tự do của bản thân. 

Hành trình tự do tài chính cũng là hành trình thay đổi nhận thức về tài chính nói chung. Vì thế, hãy xác định rõ tính chất và coi tiền như người bạn đồng hành để thực hiện những mong muốn của bản thân mà không phải băn khoăn, vướng bận. Đừng để áp lực kiếm tiền dẫn đến sự thiếu hụt quan tâm tới chính mình và gia đình. Khi đó, chúng ta sẽ trở thành “nô lệ” của tiền. 

Nắm rõ tình hình tài chính cá nhân hiện tại

Để bắt đầu hành trình này, cần xác định trạng thái tài chính cá nhân để cái nhìn tổng quan hơn và biết mình đang bắt đầu hành trình này ở trạng thái nào. 

Hãy lấy một cuốn sổ hoặc mở một bảng tính trên máy tính và thử liệt kê ra các khoản chi tiêu cơ bản, các khoản chi tiêu dự kiến theo mong muốn của bạn và cả các khoản nợ (ngân hàng, người thân, bạn bè hay bất kỳ tổ chức tín dụng nào) nếu có.   

Để hiểu đúng tình hình tài chính của bản thân, chúng ta cần thường xuyên tìm hiểu, học hỏi và cập nhật các thông tin tài chính. Kiến thức tài chính cơ bản sẽ giúp chúng ta có các quyết định phù hợp.

Ghi chép và theo dõi tình hình tài chính cá nhân

Có 2 thông tin cần theo dõi để nắm rõ tình hình tài chính cá nhân. Đó là thu nhập (tiền vào) và các khoản chi tiêu (tiền ra). 

Với thu nhập cá nhân, hãy lập 1 bảng tính và ghi nhận tất cả các khoản tiền chúng ta kiếm được từ công việc chính, các công việc làm thêm hay từ các khoản đầu tư như bất động sản, chứng khoán,...

Với các khoản chi tiêu, chúng ta ghi chép các thông tin cơ bản như: nội dung khoản chi tiêu - thời gian chi - số tiền chi thực tế. Sau đó, xếp các dữ liệu thô đó vào 1 bảng tính và chia các khoản chi tiêu thành các khoản chi tiêu bắt buộc - chi tiêu “có thì tốt” - chi tiêu lãng phí. Mức chi tiêu tối thiểu chính là các khoản chi bắt buộc như tiền nhà, tiền ăn, tiền học hàng tháng. Mức chi tiêu tiêu chuẩn là tổng 2 khoản chi tiêu bắt buộc và “có thì tốt”. 

Ở cả hai trường thông tin cần theo dõi, đừng bỏ qua bất kỳ khoản phát sinh nào dù là nhỏ nhất.

Từ hai trường thông tin cần theo dõi này, chúng ta có thể hình thành bảng cân đối thu chi hàng tháng - quý - năm và nhìn rõ hơn các khoản thu - chi - tích lũy - đầu tư của mình. Điều này giúp việc quản lý và lập kế hoạch tự do tài chính dễ dàng hơn khi có các con số như mức chi tiêu tối thiểu, mức chi tiêu tiêu chuẩn để đánh giá. 

Lập mục tiêu, kế hoạch cho tự do tài chính

Sau khi ghi chép và theo dõi, dựa vào thu nhập và chi tiêu, chúng ta cần tính ra những con số mục tiêu cụ thể: cần bao nhiêu để chi tiêu hàng ngày, cần bao nhiêu tiền cho tài khoản tiết kiệm - đầu tư, lối sống mong muốn là gì và dự định sẽ đạt được các mục tiêu tài chính như mua nhà, mua xe vào thời điểm nào. 

Sau đó, hãy đều đặn kiểm tra lại các cột mốc tài chính, tình hình thu nhập, chi tiêu để điều chỉnh kế hoạch theo các biến số để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Duy trì mức sống tối thiểu

Mức sống tối thiểu là chỉ chi trả sinh hoạt phí cơ bản như tiên ăn, tiền điện, tiền nước, tiền nhà hay các khoản học phí và hạn chế tối đa việc chi các khoản phí không đáng có. Để duy trì mức sống tối thiểu, chúng ta cần học cách phân biệt các khoản mình thực sự cần - khoản chi tiêu “có thì tốt” - các khoản lãng phí. Đồng thời hãy đặt ra một khoản ngân sách hàng tháng cho các khoản chi tiêu cơ bản này và không tiêu vượt quá ngân sách đã đề ra. 

Đề giảm tải các khoản chi, chúng ta cũng có áp dụng một lối sống tối giản hay giảm bớt lượng đồ tích trữ trong nhiều năm. Đồng thời, các đồ đạc từ quần áo, giày dép đến đồ dùng điện tử đều cần được bảo dưỡng đúng cách để hạn chế việc hỏng hóc, lãng phí dẫn đến mất chi phí mua mới, sửa chữa.

Xây dựng các tài khoản riêng cho các khoản tích lũy, đầu tư

Với các khoản tích lũy và đầu tư, hãy tách các khoản này khỏi tài khoản mà bạn sử dụng cho chi tiêu hàng ngày. 

Việc không sử dụng chung tài khoản tích lũy, đầu tư và tài khoản sinh hoạt cơ bản sẽ giúp bạn không sử dụng lẫn lộn các khoản này với nhau.   

Tự động hóa việc tích lũy

Mỗi tháng, hãy đặt lệnh chuyển khoản tự động một khoản tích lũy từ tài khoản nhận lương sang tài khoản tích lũy và “quên” khoản tiền đã chuyển đi. 

Việc tích lũy liên tục sẽ tạo ra một tài khoản tiết kiệm chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như khi có tai nạn bất ngờ, người thân nhập viện hay các khoản phí “từ trên trời rơi xuống” khác.

Xóa nợ

Nợ có cả nợ tốt và nợ xấu. Tuy vậy việc kéo dài các khoản nợ sẽ hạn chế chúng ta tiến tới tự do tài chính. Vì thế, khi nắm rõ các khoản nợ của mình, cần lên kế hoạch để “xóa” các khoản nợ này theo thứ tự hợp lý và phù hợp với các khoản thu nhập. 

Hãy ưu tiên các khoản nợ có lãi suất hoặc lãi suất cao trước như nợ cá nhân, nợ tiền mua xe, nợ thẻ tín dụng tại ngân hàng. Với các khoản nợ từ người thân, bạn bè, hãy trao đổi rõ với họ về lộ trình trả nợ và dự kiến khoảng thời gian có thể trả. Ngay khi lộ trình trả nợ được đặt ra và thảo luận, chúng ta có thể tạm “thoải mái” hơn trên hành trình xóa nợ. 

Tạo thêm các nguồn thu nhập thụ động

Bên cạnh việc “giảm chi”, để tự do tài chính, chúng ta cần “tăng thu”. Vì thế, bên cạnh nguồn thu nhập từ công việc chính, đa dạng nguồn thu bằng cách hùn vốn đầu tư hay tạo ra các sản phẩm sinh lời của mình một cách “tăng thu” hiệu quả. Các nguồn thu nhập thụ động sẽ giúp “tiền đẻ ra tiền” và là nguồn hỗ trợ cuộc sống của bạn sớm đi đến FIRE (thời điểm nghỉ hưu mà không vướng bận chuyện tiền nong) và đạt được tự do tài chính.

Trong đó, đầu tư là một phương pháp gia tăng tài sản có hiệu quả rõ rệt và được kiểm chứng qua nhiều ví dụ về các nhà đầu tư thành công như Warren Buffett. Có 4 hình thức đầu tư phổ biến:

  • Đầu tư vàng
  • Đầu tư bất động sản 
  • Đầu tư chứng khoán
  • Gửi tiền tiết kiệm

Mỗi hình thức đầu tư có điều kiện, lãi suất và những rủi ro riêng. Các nhà đầu tư “mới” trên hành trình tự do tài chính sẽ cần tự mình học hỏi và tìm hiểu các hình thức phù hợp nhất với tình hình tài chính cá nhân.